“Đề nghị ban hành danh mục nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo nghề để hạn chế việc tuyển dụng lao động phổ thông không qua học nghề”.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Trong những năm qua, việc các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI tập trung sử dụng những lao động trẻ, chủ yếu là những lao động có độ tuổi từ 18 đến 20 đang diễn ra rất phổ biến. Người lao động gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào làm việc ngay, trình độ tay nghề rất hạn chế tạo năng suất và chất lượng lao động thấp, thậm chí còn gây mất an toàn lao động do không được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản. Nhưng chỉ sau vài năm làm việc với lương và mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng dần, không ít người lao động đã bị đào thải. Doanh nghiệp lại tuyển lao động mới vào với mức lương và mức đóng BHXH thấp.
Khắc phục tình trạng trên, tại Khoản 3, Điều 52 Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp “Chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định”.
Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo”. Việc xây dựng dự thảo Thông tư được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý của Bộ, ngành, địa phương, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư. Tuy nhiên, đa phần ý kiến góp ý cho rằng: đây là văn bản có ảnh hưởng rất lớn, tác động trực tiếp đến đông đảo người lao động và doanh nghiệp. Ảnh hưởng trực tiếp đến quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của công dân. Đặc biệt, các chính sách cụ thể về giáo dục, xây dựng cơ chế, chính sách phát huy các nguồn lực xã hội nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách về tạo việc làm; quyết định những biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền con người, quyền công dân thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do vậy, việc ban hành Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo phải do Chính phủ quy định (ý kiến của Bộ Tư Pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)...).
Tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, các tổ chức, năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giao Cục Việc làm xây dựng Nghị định quy định về danh mục ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo trình Chính phủ ban hành (Dự kiến sẽ ban hành cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019).
Trên đây là trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc để trả lời cử tri.
Xem toàn văn văn bản trả lời tại đây.