Hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 11    
Cập nhật: 10/09/2018 01:53
Xem lịch sử tin bài

Ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 11 nhằm chuẩn bị cho Diễn đàn AFML khu vực lần thứ 11 sẽ diễn ra vào cuối tháng 10/2018 tại Singapore. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp; bà Erin Gregg, cán bộ chương trình cao cấp, Phái đoàn Úc tại ASEAN, Bộ Ngoại giao và Thương mại; bà Anna Olsen, chuyên gia cao cấp, Dự án TRIANGLE, ILO; đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan, các Tổ chức quốc tế và các cơ quan thống tấn TW và Hà Nội.

Hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 11

Diễn đàn Lao động di cư ASEAN (AFML) là một hoạt động thường niên được tổ chức tại nước chủ nhà ASEAN trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban ASEAN thực hiện Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư. Tham gia Diễn đàn AFML có đại diện tới từ các cơ quan Chính phủ phụ trách lao động, tổ chức của người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức xã hội. Những khuyến nghị và và giải pháp nhằm thúc đẩy quyền của người lao động di cư được đưa ra tại Diễn đàn tạo cơ sở xây dựng, thực hiện các hoạt động cấp quốc gia và khu vực.

Diễn đàn AFML lần thứ 11 năm nay sẽ được diễn ra tại Singapore từ ngày 29-30/10/2018 với chủ đề “Số hóa nhằm thúc đẩy Việc làm bền vững cho người lao động di cư trong ASEAN” tập trung vào hai nội dung chính bao gồm: (i) số hóa trong việc quản lý lao động di cư; (ii) các dịch vụ số hóa cho người lao động di cư.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, việc sử dụng công nghệ số đang ngày càng phổ biến trên thế giới ở hầu hết các lĩnh vực. Về lĩnh vực việc làm, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc làm bền vững, đồng thời giúp thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư. Sử dụng công nghệ số có thể giúp người lao động di cư đưa ra các quyết định nhanh chóng, hiệu quả và giúp hiểu rõ hơn về quyền của họ. Trong thực tế, công nghệ số mang lại một nền tảng trực tuyến nhằm giúp người lao động di cư đánh giá và xếp hạng các cơ quan tuyển dụng và người sử dụng lao động, giúp họ so sánh các mức phí chuyển đổi ngoại tệ khi có mong muốn gửi tiền về cho gia đình; kết nối người lao động di cư nhằm chia sẻ thông tin hoặc tham vấn ý kiến; tăng cường thông tin và tiếp cận các dịch vụ tư pháp cũng như thúc đẩy và tăng tính minh bạch về dữ liệu của người lao động di cư, người sử dụng lao động và các bên liên quan.

Bà Erin Gregg, Cán bộ chương trình cao cấp, Phái đoàn Australian tại ASEAN, của Bộ Ngoại giao và Thương mại  Australian phát biểu tại Hội thảo

Nhiều Chính phủ trong khu vực cũng đã xây dựng các nền tảng số hóa nhằm quản lý lao động di cư và cung cấp các dịch vụ liên quan tới áp dụng số hóa. Các dịch vụ bao gồm: đào tạo trước khi xuất cảnh cho người lao động; cấp thẻ thông minh cho người lao động di cư trước khi đi, tại nước đến và sau khi về nước nhằm giúp người lao động tiếp cận bảo hiểm xã hội và các dịch vụ khác. Thêm vào đó, các ứng dụng hữu ích như WhatsApp, Viber và Facebook đang được sử dụng cho phép người lao động có thể tìm kiếm sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin về di cư an toàn hoặc báo cáo về những vi phạm an toàn lao động tại nơi làm việc nhằm hỗ trợ công tác thanh tra lao động cũng như đảm bảo tốt hơn điều kiện làm việc cho người lao động. Bên cạnh những tác dụng mang lại, công nghệ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và hạn chế. Công nghệ số đặt ra thách thức đối với tính bảo mật, quyền riêng tư và vấn đề bảo vệ dữ liệu. Thêm vào đó, việc sử dụng công nghệ cũng sẽ bị hạn chế tại một số khu vực khi đường truyền kết nối Internet yếu, ảnh hưởng tới công việc. Do đó, tận dụng kỹ thuật số nhằm thúc đẩy quyền của người lao động di cư, thúc đẩy việc làm bền vững yêu cầu nâng cao sự hiểu biết về số hóa cũng như nâng cao hiểu biết về sự thay đổi nhanh chóng đối với tương lai việc làm.

Bà Anna Olsen, Chuyên gia cao cấp, Dự án TRIANGLE, ILO phát biểu tại Hội thảo

Tại Việt Nam, số hóa cũng đã được áp dụng hiệu quả trong công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Từ tháng 01/2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện “Thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động online”. Hiện nay, việc đăng ký hợp đồng cung ứng online được thực hiện trên Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại địa chỉ https://csdl.dolab.gov.vn. Các hồ sơ được tiến hành nhập và kiểm tra online trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sau khi tiếp nhận hồ sơ gốc kết quả được trả tại Trụ sở Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TBXH và qua đường bưu điện tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, ngày 29/12/2017, Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Thông tư số 35/2017/TT-LĐTBXH quy định việc quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo quy định tại Thông tư, các doanh nghiệp thực hiện đăng ký hợp đồng cung ứng lao động trực tuyến trên nền tảng của hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 11 được tổ chức thành 7 phiên nhằm rà soát các hoạt động cấp quốc gia trong việc triển khai khuyến nghị của các Diễn đàn AFML trước đây, đồng thời thảo luận chủ đề và đề xuất các khuyến nghị của Việt Nam làm cơ sở cùng các quốc gia thành viên đưa ra các khuyến nghị khu vực tại Diễn đàn AFML lần thứ 11 sắp tới tại Singapore.


Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang