Tạp chí Lao động và Xã hội kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản số đầu tiên và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba    
Cập nhật: 19/10/2018 10:45
Xem lịch sử tin bài

Sáng nay 19/10/2018, tại Hà Nội, Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 ngày xuất bản số đầu tiên và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ 2). Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH; các đồng chí nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH: Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và công tác xã hội Việt Nam; Phạm Thị Hải Chuyền – Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH; đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo các Sở LĐ-TBXH; đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, đối tác của Tạp chí cùng cán bộ, phóng viên của Tạp chí qua các thời kỳ.

Tạp chí Lao động và Xã hội kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản số đầu tiên và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chúc mừng Lễ kỷ niệm 50 năm Tạp chí LĐXH ra số đầu tiên

Báo cáo về chặng đường phát triển trong 50 năm qua, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội Trần Ngọc Diễn cho biết: Nửa thế kỷ qua, gắn liền với sự phát triển của đất nước, sự đi lên của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, với các tên gọi khác nhau, Tạp chí Lao động và Xã hội đã không ngừng trưởng thành toàn diện, đóng góp tích cực vào việc nghiên cứu, xây dựng chính sách của ngành, kịp thời tuyên truyền thông tin lý luận nghiệp vụ của ngành cũng như tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Dù trong hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, khi còn trong cơ chế cũ hay chuyển sang cơ chế mới, các thế hệ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Tạp chí Lao động và Xã hội luôn kiên trì khắc phục khó khăn, bám sát tôn chỉ, mục đích là cơ quan thông tin lý luận nghiệp vụ của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực công tác.

Theo Tổng Biên tập Trần Ngọc Diễn, trong những năm gần đây, với ấn phẩm chính là Tạp chí in phát hành 2 kỳ/tháng, trung bình mỗi năm Tạp chí đã đăng tải gần 600 bài viết mang tính nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trao đổi, phản biện chính sách. Trong đó có trên 70% là các bài viết có hàm lượng khoa học của các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Cơ quan Đảng, Quốc Hội, Nhà nước, Chính phủ,Tổng  cục, Cục, Vụ, Viện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài ngành.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Tạp chí LĐXH

Tạp chí cũng là một trong những đơn vị năng động trong việc xuất bản các sách nghiệp vụ, giới thiệu các văn bản, chính sách của Bộ. Giai đoạn từ 1990 - 2010, Tạp chí đẩy mạnh in ấn và phát hành các sách Hỏi - đáp về các văn bản pháp luật của ngành; hướng dẫn nghiệp vụ và thực hiện chính sách mới, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh.

Từ năm 2010 trước sự bùng nổ của mạng thông tin trên internet, nhận thấy xu thế phát triển báo chí điện tử là tất yếu trong truyền thông hiện đại, Tạp chí đã mạnh dạn xây dựng đề án thành lập tạp chí Điện tử nhằm tuyên truyền kịp thời các sự kiện chính trị của đất nước nói chung và của ngành nói riêng.

Đặc biệt, thời gian gần đây, Tạp chí đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ tổ chức thành công hàng chục cuộc Hội thảo báo chí truyền thông về các lĩnh vực trọng yếu của ngành như: Lao động-việc làm, Giáo dục Nghề nghiệp, BHXH, Người có công,  An sinh Xã hội... qua đó đã cung cấp các thông tin, kiến thức về các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội cho lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ phóng viên, nhà báo khi viết bài về các lĩnh vực của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội.

Tổng Biên tập Tạp chí LĐXH Trần Ngọc Diễn vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, Tạp chí cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công nhiều Chương trình thiện nguyện như: Chương trình: “Vết chân tròn trên cát” tri ân người có công với đất nước,Chương trình “Những tấm lòng cao cả” chung tay sẻ chia và giúp đỡ trẻ mồ côi, Chương trình“Những trái tim tâm nguyện”  giúp đỡ học sinh nghèo vùng cao biên giới, Chương trình “Tuổi già không cô đơn”, hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.. Thông qua các Chương trình, Ban Tổ chức đã vận động được hàng nghìn suất quà và tiền mặt trị giá hàng chụctỷ đồng để trao tận tay cho các đối tượng cần giúp đỡ, góp phần vào công tác an sinh xã hội của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Tổng Biên tập Trần Ngọc Diễn nhấn mạnh, với những thành tích xuất sắc trong suốt 50 năm qua, Tạp chí Lao động và Xã hội đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2008);  Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba (các năm 1995, 1983, 1978); Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ hai (năm 2018); 4 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (các năm 1996, 1998, 2003, 2013); nhiều năm liền được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng Cờ Thi đua đơn vị xuất sắc và Bằng khen.


Các cá nhân nhận Bằng khen và Kỷ niệm chương từ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngoc Dung khẳng định, 50 năm qua, Tạp chí LĐXH luôn giữ vững định hướng, tôn chỉ mục đích, không ngừng phấn đấu vươn lên, chủ động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tạp chí đã có nhiều bài viết mang tính nghiên cứu, lý luận phù hợp với yêu cầu quản lý của ngành; các bài viết tổng tình hình thực hiện pháp luật trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, phân tích, đánh gia mặt được, những khó khăn, vướng mắc, phát hiện những nhân tố mới, các giải pháp cho những vấn đề bức xúc, trao đổi, phản biện chính sách, làm cơ sở ban hành cơ chế, chính sách cũng như sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nghề làm báo đã khó nhưng làm tạp chí lại càng khó hơn. Để tạp chí “sống” được thì đó là một nỗ lực lớn, nhưng Tạp chí LĐXH thời gian qua không chỉ khẳng định được chỗ đứng của mình mà còn vươn lên mạnh mẽ, đảm bảo đời sống vật chất, tình thần cho anh chị em. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tạp chí đã có nhiều bài viết mang tính nghiên cứu, lý luận phù hợp với yêu cầu quả lý của ngành 

Bộ trưởng cho rằng trong thời gian tới, nếu Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được phê chuẩn và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra thách thức với Bộ, Ngành LĐ-TBXH, buộc chúng ta phải điều chỉnh, trong đó có việc sửa đổi Bộ luật Lao động về tiêu chuẩn lao đông và quan hệ lao động. Để từ đó thấy rằng không chỉ báo chí mà toàn Ngành LĐ-TBXH sẽ đứng trước thách thức mới, yêu cầu mới.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng ở thời điểm này, báo chí ngành nói chung và Tạp chí LĐXH nói riêng phải hướng vào việc tuyên truyền cho hệ thống Giáo dục nghề nghiệp. “ Nếu năm 2017, kết quả tuyển sinh toàn hệ thống GDNN trong cả nước đạt 40%, thì đến thời điểm này, công tác tuyển sinh đã đạt  92%. 26 trường nghề tuyên bố cam kết nếu sinh viên ra trường sau 6 tháng nhà trường không bố trí được việc làm phù hợp sẽ trả lại toàn bộ học phí. Ký kết hợp tác giữa một số cơ sở GDNN với một số doanh nghiệp về đặt hàng tuyển sinh, tổ chức đào tạo, tuyển dụng sau tốt nghiệp... Đó là những điểm nổi bật thời gian qua của hệ thống GDNN cần được đẩy mạnh truyền thông.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi Lễ

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành LĐ-TBXH đang đứng trước nhiều vận hội phát triển và thách thức trong việc hoạch định, tham mưu và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật lao động, người có công và xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Tạp chí LĐ-TBXH cần nỗ lực nhiều hơn nữa, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, trong đó: Tập trung vào thông tin lý luận, là diễn đàn trao đổi nghiên cứu nghiệp vụ của ngành; Là nơi phản biện, thậm chí phản biện lại các chính sách do Bộ ban hành, xem những chính sách đó có hợp lòng dân không;  Phản ánh nhiều hơn nữa các mô hình kinh nghiệm hay từ đó nhân rộng ra trong cả nước; Tranh thủ trí tuệ , tiềm năng, sức mạnh các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí qua các thời kỳ, các địa phương, lực lượng trong ngành để Tạp chí hoàn toàn bứt ra khỏi 3 từ “Khó - Khô - Khổ”,  trở thành tờ diễn đàn, tạp chí hàng đầu của ngành và có chỗ đứng riêng trong làng báo chí nước ta.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ 2) cho Tạp chí LĐXH; Trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Tổng Biên tập Trần Ngọc Diễn; Trao tặng Kỷ niệm chương cho 5 cá nhân và Bằng khen của Bộ trưởng cho 6 cá nhân của Tạp chí.


Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang