TẬP HUẤN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG    
Cập nhật: 25/12/2024 10:05
Xem lịch sử tin bài

TẬP HUẤN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG

Thực hiện chương trình công tác năm 2024, trong khuôn khổ Phi dự án tăng cường năng lực đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động do Tổ chức lao động quốc tế hỗ trợ, trong tháng 12 năm 2024, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương đã tổ chức 02 lớp tập huấn quy định pháp luật về cho thuê lại lao động đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động và 02 lớp tập huấn quy định pháp luật về cho thuê lại lao động đối với doanh nghiệp điện tử sử dụng lao động thuê lại tại tỉnh Bắc Ninh (trong 02 ngày 11-12/12/2024) và thành phố Hồ Chí Minh (trong 02 ngày 19-20/12/2024) do ông Nguyễn Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương chủ trì.

Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Dư chủ trì Hội nghị

Tham gia mỗi lớp tập huấn có hơn 80 học viên là đại diện các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp cho thuê lại lao động được cấp giấy phép hoạt động và các doanh nghiệp điện tử sử dụng lao động thuê lại tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Phát biểu tại các lớp tập huấn, ông Nguyễn Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương nhấn mạnh, các lớp tập huấn được tổ chức nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong thực hiện quy định pháp luật về cho thuê lại lao động; thông qua các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và tính tuân thủ pháp luật về cho thuê lại lao động của các doanh nghiệp, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên trong hoạt động cho thuê lại lao động, đặc biệt là người lao động thuê lại và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững.

Đại biểu tham dự Hội nghị


Nội dung tại các lớp tập huấn tập trung tuyên truyền quy định pháp luật lao động nói chung (về tiền lương; hợp đồng lao động; nội quy lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động tại nơi làm việc; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội) và cho thuê lại lao động nói riêng (về một số nội dung chính về quy định cho thuê lại lao động; những nội dung cần lưu ý khác khi cung cấp lao động thuê lại cho các doanh nghiệp điện tử trong chuỗi cung ứng toàn cầu; hướng dẫn doanh nghiệp Phiếu tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động).

Các lớp tập huấn nhận được sự tham gia tích cực của các học viên tham dự. Nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế đã được các học viên trao đổi, nhất là về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai áp dụng các quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn; đồng thời, cũng kiến nghị, đề xuất các nội dung để cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật trong thời gian tới. Kết quả các lớp tập huấn cho thấy, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nhận thức quy định pháp luật về cho thuê lại lao động là rất cần thiết, cần được tiếp tục triển khai hỗ trợ tại các địa phương khác trong bối cảnh, xu hướng doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động thuê lại đang ngày càng gia tăng (tính đến ngày 30/6/2024, cả nước có 515 doanh nghiệp cho thuê lại lao động có giấy phép đang hoạt động và khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp sử dụng lao động thuê lại).



Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang