Hội thảo “Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”    
Cập nhật: 31/07/2023 11:04
Xem lịch sử tin bài

Hội thảo “Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”
Ngày 25/7/2023, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Đại học Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Mục đích của hội thảo nhằm làm rõ các vấn đề lý luận về quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; đánh giá thực trạng quan hệ lao động tại Việt Nam; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư. 

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, các Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tài chính, Tổng LĐLĐ Việt Nam; PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn; cùng  hàng trăm đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Ban Quản lý các khu công nghiệp, chế xuất; Các hiệp hội doanh nghiệp; Các trường đại học và viện nghiên cứu…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho biết: Trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, quan hệ lao động ở nước ta đã không ngừng phát triển cả về nhận thức, luật pháp và thực tiễn. Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi các cơ chế, thiết chế quan hệ lao động của nước ta cũng phải được hình thành và vận hành theo các nguyên tắc của thị trường. Đảng và Nhà nước ta luôn coi phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ là một chủ trương lớn nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì sự ổn định xã hội.  

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương phát biểu tại Hội thảo

Cục trưởng cũng nhấn mạnh về một số xu hướng tác động đến sự phát triển quan hệ lao động ở nước ta trong giai đoạn hiện nay như: yêu cầu về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập quốc tế và cam kết thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế; sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong những năm tới, hoàn thiện thể thế và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ và đề ra nhiệm vụ phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về quan hệ lao động để đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn sẽ tiếp tục là một xu hướng lớn tác động đến quan hệ lao động nước ta. Các cơ chế, thiết chế về quan hệ lao động sẽ phải tiếp tục được hoàn thiện, vận hành hiệu quả và phù hợp với cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới. Cũng như vậy, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Tiến bộ khoa học công nghệ nhanh chóng và mạnh mẽ sẽ làm thay đổi bản chất của thương mại, đầu tư và lao động toàn cầu; trực tiếp ảnh hưởng đế cơ hội việc làm của người lao động đòi hỏi phải có những cách ứng xử mới phù hợp về quan hệ lao động.

PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu

PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn khi phát biểu khai mạc cũng khẳng định: Thúc đẩy quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa, ổn định và tiến bộ là chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, các chủ thể tham gia QHLĐ, cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đối với Việt Nam, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, hướng tới xây dựng và phát triển QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhằm khơi dậy và phát huy các lợi thế về nguồn lực lao động của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong những năm qua, quan hệ lao động ở Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề phát sinh, đòi hỏi phải quan tâm nghiên cứu. Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh ngoài việc làm rõ các vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ thì Hội thảo sẽ là diễn đàn học thuật để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn trao đổi, thảo luận về những vấn đề mới, cách tiếp cận mới đang đặt ra hiện nay và xây dựng tư duy nghiên cứu khoa học, giảng dạy theo hướng tiếp cận liên ngành, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành quan hệ lao động. 

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương trình bày tham luận

Trong bài trình bày về Quan hệ lao động Việt Nam hiện nay và định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp, Cục trưởng Nguyễn Huy Hưng đã khái quát về sự phát triển, đặc điểm và những xu hướng chính tác động đến sự phát triển của quan hệ lao động, thực trạng quan hệ lao động Việt Nam. Cục trưởng đã làm nổi bất những kết quả đạt được và những vấn đề cần xem xét trên các khía cạnh về các cơ chế, thiết chế của quan hệ lao động như sự phát triển và thực tiễn về phạm vi, quy mô của khu vực có quan hệ lao động, khung khổ pháp luật, công tác quản lý nhà nước, tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động, sự vận hành của các cơ chế quan hệ lao động như đối thoại, lương thượng và giải quyết tranh chấp lao động. Từ đó, trên cơ sở phân tích bối cảnh  để xác định rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong thời gian tới như: (i) Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về QHLĐ trong nền KTTT và hội nhập quốc tế; (ii) Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật; (iii) Tăng cường QLNN về QHLĐ; (iv) Tiếp tục nâng cao vai trò của các cấp; (v) Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động; (vi) Đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể; (vii) Tăng cường sự tham gia của các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu trong việc nghiên cứu, đánh giá, phản biện và tư vấn hoàn thiện cơ chế, chính sách về QHLĐ.
Hội thảo cũng được lắng nghe các bài trình bày tham luận của các đại biểu đại diện cho Trường Đại học Công đoàn, Liên minh Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai. Các báo cáo viên đã làm sâu sắc hơn các khía cạnh trong quan hệ lao động như hoàn thiện cơ chế ba bên; các giải pháp ngăn ngừa ngừng việc tập thể và đình công tự phát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai... Ngoài ra, các đại biểu tham dự đã tiến hành trao đổi, thảo luận những vấn đề mới, cách tiếp cận mới về các nội dung đặt ra đối với việc thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 
Kết thúc hội thảo, Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo mong rằng, thành công của Hội thảo sẽ là tiền đề để mở ra nhiều cơ hội phối hợp giữa công tác nghiên cứu, giảng dạy với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan hệ lao động tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong thời gian tới./.

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương




Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang

© 2017 Bản quyền của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương

Địa chỉ: 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (043) 556 4584 Fax: (043) 556 4584