Chính sách tiền lương tối thiểu trong việc bảo vệ người lao động không bị trả mức lương quá thấp    
Cập nhật: 29/06/2023 09:46
Xem lịch sử tin bài

Chính sách tiền lương tối thiểu trong việc bảo vệ người lao động không bị trả mức lương quá thấp
Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tiền lương tối thiểu có vai trò quan trọng, là cơ sở để bảo vệ người lao động không bị trả mức lương quá thấp
Trong nền kinh tế thị trường, do tiền lương bị chi phối của qui luật cung-cầu lao động, công cụ lương tối thiểu là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm mức tiền công thoả đáng và không bị trả quá thấp cho người lao động được đa số các quốc gia sử dụng.
Vai trò của tiền lương tối thiểu: là lưới an toàn chung cho người lao động làm công hưởng lương, là mức “sàn” thấp nhất để trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường trên thị trường lao động, cho khu vực có quan hệ lao động, không phân biệt thành phần kinh tế, ngành, nghề, vùng lãnh thổ; là công cụ quan trọng quản lý vĩ mô nhằm đảm bảo vai trò điều tiết của Nhà nước; là một biện pháp nhằm chống nghèo đói, ngăn cản bần cùng hóa dưới mức cho phép và thúc đẩy kinh tế phát triển. 
Tiền lương tối thiểu vừa có chức năng kinh tế (đảm bảo tái sản xuất giản đơn và một phần tái sản xuất mở rộng sức lao động; phân bố nguồn nhân lực hợp lý, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; khuyến khích đầu tư¬ trong nước và thu hút đầu tư¬ nước ngoài, thúc đẩy phân công lao động quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa) và vừa có chức năng xã hội (chức năng cơ bản) nhằm tạo lưới an toàn cho tất cả những người làm công ăn lương, chống bần cùng và bóc lột quá mức người lao động; điều tiết thu nhập nhằm thực hiện quan hệ phân phối công bằng; xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, đồng thuận, tham gia phát triển cộng đồng.
Các yếu tố xác định lương tối thiểu: mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Tiền lương tối thiểu được nhận diện, xác định với những đặc điểm như:
- Được xác định tương ứng với trình độ lao động giản đơn nhất, chưa qua đào tạo nghề;
- Tương ứng với cường độ lao động nhẹ nhàng nhất;
- Tương ứng với môi trường và điều kiện lao động bình thường;
- Bảo đảm nhu cầu tiêu dùng ở mức độ tối thiểu cần thiết cho bản thân người lao động;
- Phù hợp với giá sinh hoạt ở vùng và điều kiện kinh tế - xã hội chung của quốc gia.
Một số nội dung mới về tiền lương tối thiểu năm 2022
Ngày 22/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Nghị định 38/2022/NĐ-CP có các nội dung mới:
Thứ nhất, quy định về mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. 
Đây là loại hình lương tối thiểu mới được quy định nhằm triển khai Bộ luật Lao động năm 2019. Trên thực tế, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức. Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động đang cứng nhắc, thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Do đó, bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, Chính phủ ban hành quy định mức lương tối thiểu giờ để mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động.
Thứ hai, điều chỉnh các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Về áp dụng mức lương tối thiểu, căn cứ các hình thức trả lương trong Bộ luật Lao động, Nghị định quy định lương tối thiểu tháng được áp dụng đối với người lao động trả lương theo tháng; lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với người lao động trả lương theo giờ. Đối với hình thức trả lương khác (theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán) thì do doanh nghiệp lựa chọn quy đổi  sang mức lương tháng hoặc giờ bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ (không yêu cầu doanh nghiệp thay đổi hình thức trả lương mà chỉ quy đổi ra mức lương tháng hoặc giờ để đối chiếu, kiểm chứng mức độ tuân thủ mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định).
Về địa bàn phân vùng, nguyên tắc áp dụng phân vùng cơ bản kế thừa theo danh mục quy định hiện hành, ngoài ra có sự rà soát, cập nhật lại tên một số địa bàn sau khi có sự thay đổi do phải thực hiện sắp xếp lại địa giới hành chính theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những địa bàn có sự thay đổi về hạ tầng, mức độ phát triển thị trường lao động, vùng thu hút đầu tư… theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể:
- Điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với: thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai.
- Điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với: các thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Hoà Bình và huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình; thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An; thị xã Hòa Thành thuộc tỉnh Tây Ninh; thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu; thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long.
- Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với: các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh; các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An; huyện Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu; huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Thứ ba, quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo vệ các quyền lợi sẵn có của người lao động khi thực hiện quy định mới (tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP), cụ thể: “người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Thứ tư, quy định mức lương tối thiểu được áp dụng từ 1/7/2022. Thông thường, mức lương tối thiểu tháng được xem xét, thực hiện từ 01 tháng 01 hàng năm. Tuy nhiên, do từ đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động nên Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu tháng quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP trên 2 năm. Trong khi đó, dịch bệnh thời điểm đấy đã dần được kiểm soát, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bước sang giai đoạn phục hồi; nếu tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu hiện hành sẽ không đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và không khuyến khích được người lao động quay trở lại làm việc, phục hồi thị trường lao động, phục hồi sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ quyết định áp dụng mức lương tối thiểu mới từ 01 tháng 7.

Có thể thấy, mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP là đã có tính đến sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, mức lương tối thiểu giờ được tính toán phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ và phù hợp với mức lương thực trả trên thị trường, và tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa bài toán giữa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động./. 

ThS. Nguyễn Huyền Lê - Cục Quan hệ lao động và Tiền lương


Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang

© 2017 Bản quyền của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương

Địa chỉ: 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (043) 556 4584 Fax: (043) 556 4584