Thúc đấy thiết chế hòa giải lao động và trọng tài lao động    
Cập nhật: 29/06/2023 10:05
Xem lịch sử tin bài

Thúc đấy thiết chế hòa giải lao động và trọng tài lao động
Hòa giải lao động và trọng tài lao động là thiết chế cơ bản và thông lệ chung của quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp lao động, góp phần hỗ trợ hiệu quả việc phát triển quan hệ lao động lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Vấn đề này cũng đã được tiếp cận và thúc đẩy, thực thi tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn tăng cường hội nhập hiện nay.

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, hệ thống giải quyết tranh chấp lao động hiện nay ở nước ta bao gồm: (i) hòa giải viên lao động; (ii) Hội đồng trọng tài lao động và (iii) Tòa án nhân dân. Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, vận hành 02 thiết chế là hòa giải lao động và trọng tài lao động. 
Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới và quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp, hỗ trợ các địa phương kiện toàn, củng cố, thúc đẩy nâng cao hiệu quả của các thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động, đặc biệt là đối với các địa bàn trọng điểm về quan hệ lao động tại các tỉnh Đông Nam Bộ, như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay đã có 36 tỉnh, thành phố kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động và 24 tỉnh, thành phố đã kiện toàn đội ngũ trọng tài viên lao động, một số địa phương đã ban hành quy chế quản lý hòa giải viên lao động và quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động, trong đó đã xác định rõ nhiệm vụ của hòa giải viên lao động là giải quyết tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động; đồng thời quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài lao động đối với tất cả các tranh chấp lao động trên cơ sở đồng thuận của hai bên và quyết định của Hội đồng trọng tài lao động có giá trị thực thi đối với các bên. 
Có thể thấy, các thiết chế hòa giải lao động và trọng tài lao động đã được củng cố về mặt tổ chức; một số địa phương đã ban hành các quy chế hoạt động và đã thúc đẩy vận hành các thiết chế này trong thực tế. Tuy nhiên, việc củng cố, thúc đẩy các thiết chế này vẫn còn có những hạn chế, bất cập như: Việc bổ nhiệm hòa giải viên lao động ở một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa gắn với thực tiễn quan hệ lao động ở địa phương. Trong khi đó, sự quan tâm, bố trí về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, nguồn lực làm việc của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động còn hạn chế dẫn đến việc các bên tranh chấp lao động tiếp cận các thiết chế này rất khó khăn và không tạo điều kiện để các thiết chế này phát huy đúng vai trò của mình trong quan hệ lao động. Ngoài ra, việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển quan hệ lao động của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động cũng chưa được chú trọng.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục củng cố đội ngũ hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động bảo đảm gắn với thực tiễn quan hệ lao động trên địa bàn. Cùng với đó là bố trí nơi làm việc, trang bị cơ sở vật chất, nguồn kinh phí hoạt động cho hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động, giải quyết chế độ cho hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động theo quy định. Đặc biệt cần chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển quan hệ lao động của hòa giải viên và trọng tài viên lao động./.

Đức Dương


Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang