NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2019 ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ    
Cập nhật: 16/06/2023 03:24
Xem lịch sử tin bài

NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2019 ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ

Trong quan hệ lao động, việc bảo đảm quyền lợi của người lao động nữ luôn được Nhà nước quan tâm trong việc xây dựng pháp luật về lao động. Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động ngoài việc kế thừa các quy định trước đây đối với lao động nữ đã có những sửa đổi, bổ sung về lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản và nuôi con nhỏ, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ, phòng chống quấy rối tình dục...nhằm bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, người lao động khi đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được tự quyết định có làm việc ban đêm, làm thêm giờ hay đi công tác xa khi đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Điều 137 Bộ luật Lao động), nhằm bảo đảm và tạo điều kiện cho NLĐ thực hiện quyền của mình.

Thứ hai, mở rộng phạm vi bảo vệ thai sản đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi đang mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Việc mở rộng phạm vi bảo vệ thai sản này nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho lao động nữ trong thời gian mang thai và nuôi con (Điều 137 Bộ luật Lao động).

Thứ ba, bổ sung quy định hợp đồng lao độnghết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới (Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Laođộng). Đây là quy định mới xuất phát từ đặc tính riêng có của lao động nữ là mang thai, sinh con và nuôi con nhằm bảo đảm tốt hơn duy trì công việc cho lao động nữ, có tiền lương, bảo đảm cuộc sống để có thể chăm sóc con nhỏ.

Thứtư, sửa đổi, bổ sung quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong giờ làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động (Khoản 4 điều 137 Bộ luật Lao động) và được quy định chi tiết tại Khoản 3, 4 Điều 80 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, cụ thể:

-Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động; Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ; Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

-Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ; Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

Thứ năm, quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con để người lao động lựa chọn làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng họ làm các nghề, công việc này (Điều 142 Bộ luật Lao động).

Các quy định nêu trên đã tạo điều kiện linh hoạt và thuận tiện hơn cho lao động nữ và người sử dụng lao động trong việc triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ./.


Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang