Những quy định của pháp luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình    
Cập nhật: 29/06/2023 09:26
Xem lịch sử tin bài

Những quy định của pháp luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình
Lao động giúp việc gia đình đang trở lên phổ biến và phát triển mạnh mẽ do nhu cầu thị trường tăng cao, được pháp luật thừa nhận là một nghề và người lao động (NLĐ) được bảo đảm các quyền, lợi ích bình đẳng như các lao động khác.
Lao động là người giúp việc gia đình là một trong những nhóm lao động đặc thù được thế giới rất quan tâm. Năm 2011, ILO đã thông qua Công ước số 189 về việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình và Khuyến nghị số 201 về lao động giúp việc gia đình, đây là những tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được áp dụng riêng đối với lao động giúp việc gia đình. Ở Việt Nam, lao động giúp việc gia đình xuất hiện từ rất sớm nhưng đến năm 1994 mới được thừa nhận và được quy định trong Bộ luật Lao động. Đến Bộ luật Lao động năm 2012 thì các quy định về lao động giúp việc gia đình đã thực sự chi tiết, cụ thể và đầy đủ, tạo ra hàng rào pháp lý bảo vệ đối với NLĐ giúp việc gia đình, đảm bảo cho lao động giúp việc gia đình được hưởng sự bình đẳng về việc làm, tiền lương và điều kiện sinh hoạt.
So với Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2019 về cơ bản không có sửa đổi về nội dung mà chủ yếu điều chỉnh về mặt kỹ thuật đối với các quy định về lao động giúp việc gia đình. Theo đó: “Lao động là người giúp việc gia đình là NLĐ làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại” (Khoản 1 Điều 161). Việc khoanh vùng công việc của NLĐ giúp việc gia đình chỉ đơn thuần là trong phạm vi các công việc liên quan đến đời sống sinh hoạt của gia đình, cá nhân có nhu cầu giúp việc nhằm bảo vệ NLĐ tránh bị bóc lột và lạm dụng sức lao động.
Để tăng tính linh hoạt và khả thi trong thực hiện mà vẫn bảo đảm quyền, lợi ích của NLĐ, Bộ luật Lao động không bắt buộc hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình phải có đầy đủ các nội dung như hợp đồng lao động với NLĐ khác mà chỉ bắt buộc hai bên phải thỏa thuận một số nội dung cơ bản về thời hạn hợp đồng, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hàng ngày, chỗ ở, đồng thời ngoài các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước như đối với NLĐ khác thì Bộ luật Lao động cho phép mỗi bên đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào và chỉ cần báo trước ít nhất 15 ngày (khoản2, 3 Điều 162). Tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ cũng đã ban hành mẫu hợp đồng lao động làm căn cứ để hai bên thỏa thuận, tạo thuận lợi cho quá trình giao kết hợp đồng lao động. Riêng thỏa thuận về tiền lương phải đảm bảo mức lương theo công việc bao gồm cả chi phí tiền ăn, ở của NLĐ tại gia đình người sử dụng lao động (nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của NLĐ (nếu có) tối đa không quá 50% mức lương theo công việc ghi trong hợp đồng lao động.
Mặt khác, do làm việc hầu như chỉ gói gọn trong gia đình người sử dụng lao động (NSDLĐ), ít có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài nên Bộ luật Lao động đã quy định hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình phải được giao kết bằng văn bản (khoản 1 Điều 162) nhằm giảm thiểu việc vi phạm các thỏa thuận đã cam kết ban đầu, đảm bảo quyền lợi của hai bên, đồng thời chỉ rõ các hành vi bị nghiêm cấm đối với NSDLĐ gồm: ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với NLĐ; giao việc không theo hợp đồng lao động; giữ giấy tờ tùy thân của NLĐ (Điều 165).
Bộ luật Lao động cũng quy định rõ nghĩa vụ của NSDLĐ, NLĐ, cụ thể như sau:

- Về phía NSDLĐ: phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của NLĐ; trả cho NLĐ khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để NLĐ chủ động tham gia BHXH, BHYT; bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho NLĐ nếu có thỏa thuận; tạo cơ hội cho NLĐ được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp; trả tiền tàu xe đi đường khi NLĐ thôi việc về nơi cư trú trừ trường hợp NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn (Điều 163), ngoài ra NSDLĐ còn phải thông báo cho UBND cấp xã việc sử dụng, chấm dứt sử dụng lao động là người giúp việc gia đình trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

-  Về phía NLĐ: phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết; bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nếu làm hỏng, mất tài sản của NSDLĐ; thông báo kịp thời với NSDLĐ về khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình NSDLĐ và bản thân; tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu NSDLĐ có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật (Điều 164).

ThS. Vũ Thị Phương Oanh - Cục Quan hệ lao động và Tiền lương


Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang

© 2017 Bản quyền của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương

Địa chỉ: 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (043) 556 4584 Fax: (043) 556 4584