Nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp lao động cho hòa giải viên và trọng tài viên lao động    
Cập nhật: 29/06/2023 09:20
Xem lịch sử tin bài

Nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp lao động cho hòa giải viên  và trọng tài viên lao động
Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên, trọng tài viên lao động là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan về giải quyết tranh chấp lao động trong bối cảnh quan hệ lao động ở Việt Nam có nhiều thay đổi sau khi Bộ luật Lao động 2019 được ban hành. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao , năm 2022, Cục Quan hệ lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) đã chủ trì tổ chức các lớp tập huấn cho các hòa giải viên, trọng tài viên lao động của một số tỉnh/thành phố trọng điểm về quan hệ lao động khu vực phía Nam góp phần kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động tại đây. 
Bộ luật Lao động 2019 được ban hành và có hiệu lực ngày 01/01/2021 đã có những quy định làm thay đổi toàn diện hệ thống quan hệ lao động (QHLĐ) tại Việt Nam khi chuyển đổi từ hệ thống QHLĐ đơn tổ chức đại điện sang hệ thống QHLĐ đa tổ chức đại diện với sự cho phép ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong bối cảnh hệ thống QHLĐ mới sẽ làm phát sinh những tranh chấp lao động mới. Vì vậy, Bộ luật Lao động 2019 cũng đã có những quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, vị trí vai trò của hòa giải viên lao động (HGVLĐ) và trọng tài viên lao động (TTVLĐ). Đồng thời, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (QHLĐTL) cũng được giao nhiệm vụ tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của HGVLĐ, TTVLĐ trong giải quyết tranh chấp lao động.   
Thực hiện kế hoạch kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động tại 3 tỉnh/thành phố trọng điểm về quan hệ lao động khu vực phía Nam (gồm TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai), Cục QHLĐTL đã chủ trì tổ chức các lớp tập huấn cho hòa giải viên lao động (HGVLĐ) và trọng tài viên lao động (TTVLĐ) (bao gồm 02 lớp cho TTVLĐ của cả 3 địa phương và 5 lớp cho HGVLĐ của 3 địa phương với 80 lượt TTVLĐ và 180 lượt HGVLĐ) nhằm bồi dưỡng các kiến thức chung về hệ thống giải quyết tranh chấp lao động và kỹ năng nghiệp vụ cơ bản cho đội ngũ HGVLĐ và TTVLĐ đã được kiện toàn theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, đợt 1 là chương trình tập huấn kiến thức chung cho cả HGVLĐ và TTVLĐ với thời gian đào tạo 1,5 ngày, bao gồm: tổng quan chung về hệ thống giải quyết tranh chấp lao động; vị trí, vai trò của HGVLĐ và TTVLĐ; một số nội dung mới của Bộ luật Lao động 2019 chia thành 03 chuyên đề, trong đó tại từng chuyên đề có lồng ghép những vướng mắc và các nội dung dễ gây ra tranh chấp lao động mà HGVLĐ và TTVLĐ như chính sách lao động, tiền lương, quan hệ lao động…
Đối với chương trình tập huấn đợt 2 nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cơ bản cho đội ngũ HGVLĐ và TTVLĐ được thiết kế trong 2 ngày gồm 7 chuyên đề. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Quy trình hòa giải tranh chấp lao động, các quy chế quản lý và hoạt động của HGVLĐ và TTVLĐ, các kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, thực hành các bài tập tình huống trong các phiên họp…  
Với phương pháp giảng dạy tích cực, lấy học viên làm trung tâm của các giảng viên trong các đợt tập huấn đã giúp các HGVLĐ và TTVLĐ nắm bắt kiến thức và kỹ năng tốt hơn. Đặc biệt, tại các lớp tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ cơ bản, các HGVLĐ và TTVLĐ được tham gia đóng vai các bên để thực hành giải quyết tranh chấp lao động. Bên cạnh đó, tại các lớp tập huấn, các giảng viên cũng nêu lên những vướng mắc, trường hợp và các nội dung dễ gây ra tranh chấp lao động, đồng thời đưa ra các vấn đề để các HGVLĐ và TTVLĐ lưu ý trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Tại các buổi tập huấn, các học viên cũng chia sẻ các tình huống gặp phải trên thực tế để các học viên trên lớp cùng tham gia thảo luận và giảng viên đưa ra những giải pháp xử lý phù hợp. 
Các lớp tập huấn này đã được các học viên đánh giá cao từ khâu tổ chức đến chương trình, bài giảng, giảng viên và phương pháp đào tạo. Các học viên đề xuất trong thời gian tới cần tiếp tục tổ chức các cuộc tập huấn hữu ích như trên, đặc biệt là tập huấn về bồi dưỡng kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động, xử lý các tình huống vướng mắc trên thực tế.
Trên cơ sở kết quả tập huấn nêu trên, Cục QHLĐTL sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chương trình đào tạo HGVLĐ, TTVLĐ và xây dựng triển khai các kế hoạch đào tạo HGVLĐ và TTVLĐ tại các tỉnh/thành phố trọng điểm trên cả nước với mục tiêu kiện toàn đội ngũ HGVLĐ, TTVLĐ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, tham gia tích cực giải quyết tranh chấp lao động đúng quy trình, thủ tục góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ ở Việt Nam trong thời gian tới.


ThS. Nguyễn Thùy Linh - Cục Quan hệ lao động và Tiền lương

Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang

© 2017 Bản quyền của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương

Địa chỉ: 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (043) 556 4584 Fax: (043) 556 4584